Thân thiện hay oán thù nơi công sở?

Giới nhân viên văn phòng Úc có đủ mọi ‘hỷ, nộ, ái, ố’ khi kể về những điều khó chịu xung quanh ‘cuộc sống văn phòng’ của họ, từ chuyện sếp không công bằng đến đồng nghiệp ‘ma cũ’ hù dọa ‘ma mới’, ‘khó chịu’ với thành công của người khác…

Làm việc nơi công sở không êm đềm như mọi người tưởng. (ABC).

Công việc văn phòng có sướng không?

Nhiều người thích có công việc văn phòng ‘sáng cắp ô đi, tối cắp ô về’, đến cuối tháng lương tự động chạy vào tài khoản. Xét về lý thuyết, công việc bàn giấy dù sao cũng đỡ nhọc nhằn hơn lao động hãng xưởng, làm lụng chân tay vất vả. Còn trên thực tế thì sao?

Một ngày của một công chức văn phòng ở Úc có thể là như thế này đây: mỗi sáng đi làm tất tả ra nhà ga cho kịp chuyến tàu chạy. Tàu điện buổi sáng (từ 7 đến 8 giờ) thì luôn nêm chật người như cá mòi xếp trong hộp và bạn phải chịu cảnh chen chúc đó trên tàu cả giờ đồng hồ. Nếu bạn đi làm bằng xe hơi riêng thì thường phải đối đầu với cảnh kẹt xe trong suốt chặng đường lái xe từ nhà đến gara cơ quan.

Vào ngồi bàn làm việc, bạn mở máy tính lên phải giải quyết cả tá thư điện tử cần hồi âm. Rồi giải quyết các việc ‘nước đến chân mới nhảy’, đến giờ họp hành liên miên mà đôi khi bạn tự hỏi nội dung các cuộc họp đó có vô bổ và tốn thời gian vô ích hay không…

Đến chiều, thường là lúc cơ thể lẫn tâm trí các công chức đều mệt mỏi, họ lại lũ lượt ra về.

Nếu về sớm thì công chức tế nhị đi rẽ lối sau chứ tránh đi thẳng qua các khu vực làm việc khác vốn còn đồng nghiệp (hay sếp) vẫn đang say sưa làm việc thì trông ‘hơi kỳ’, lại sợ bị dèm pha này nọ. Còn khi về muộn sau giờ làm việc thì công chức lại cám cảnh với không gian văn phòng vắng lặng như tờ, cảm thấy ‘buồn buồn tủi tủi’ bất chợt…

Với các công chức nhận đồng lương ‘hẻo’ lẽ nhiên chẳng lấy làm vui vẻ gì. Họ sẽ mang ‘tâm tư’ khó chịu nếu cấp trên ‘quên’ khoản tăng lương hay cố tình không ghi nhận đúng mực những nỗ lực làm việc của thuộc cấp dưới quyền.

Nản lòng vì sếp!

Nhiều người Úc than thở sao ông sếp của họ ‘lạnh lùng’ quá, tính tình bủn xỉn quá, lại hay chê bai, bắt bẻ những điều vặt vãnh… Đó cũng là những chuyện chẳng mấy vui mà giới nhân viên văn phòng ở Úc tâm sự trên báo chí.

Một số người nhắc đến giới quản lý văn phòng keo kiệt không chịu tân trang thiết bị, dụng cụ làm việc, đợi đến khi chúng… cháy nổ mới thay.

Một số sếp văn phòng suốt ngày dùng ‘ngôn ngữ người máy’ khô khan và vô cảm kiểu như: “Hãy có cái nhìn toàn cục hơn!”.

Tạp chí Business Management Daily thống kê những điều nhân viên than phiền nhiều nhất về sếp là không tôn trọng nhân viên, không nhìn nhận công sức của cấp dưới, thiên vị người này đồng thời trù dập người khác…

Một vài sếp chuyên theo dõi nhân viên sau lưng, đã vậy khi nhân viên có thắc mắc gì muốn hỏi đôi khi sếp… lúng túng không đưa ra câu trả lời xác đáng. Chuyện phải họp hành quá nhiều cũng gây phiền toái đối với nhân viên.

Nhìn chung, giới nhân viên công sở hay bận tâm và bàn tán về năng lực của sếp, thái độ làm việc của đồng nghiệp, và hệ thống công nghệ thông tin nơi công sở của họ.

Lara Hopefield, một nhân viên công sở ở Úc, cho hay cô thất vọng tràn trề với người lãnh đạo nơi sở làm. “Ông sếp tôi cứ như ở trên trời rơi xuống, suốt ngày dùng ngôn ngữ khẩu hiệu, kiểu sáo rỗng động viên mọi người”.

Theo Lara, đằng sau nụ cười lạnh lùng của sếp là cảnh… hù dọa và sách nhiễu. “Sếp tôi khuyến khích nhân viên góp ý công chuyện cơ quan, tuy nhiên ai đưa ra phát biểu ngay thẳng liền bị để ý và cô lập sau đó”.

Ganh ghét đồng nghiệp

Không ít người coi đồng nghiệp là ‘kẻ thù’ trong cuộc sống văn phòng.

Kris Chant, độc giả của báo Daily Telegraph (Úc) kể một loạt tật xấu của đồng nghiệp: “Đó là những người không thạo computer, suốt ngày lân la dò hỏi làm tôi tốn thời gian”.

Những người đồng nghiệp… nói nhiều cũng khiến ông Chant “nhức đầu cả ngày”.

Chưa hết, còn có những đồng nghiệp hù dọa, ghen tị với thành công của người khác, nói xấu người khác sau lưng.

Đối với nhân viên văn phòng Becky Lightfoot thì điều gây khó chịu nhất trong cuộc sống văn phòng là nhóm nhân viên cùng sở làm, đặc biệt là những bà ‘chảnh chọe’, lúc nào cũng coi mình như… công chúa, hoàng hậu.

Thêm điều khó chịu nữa, theo Becky, là sự thiếu tôn trọng. Các sếp lớn nghiêm khắc ít khi đưa ra lời khen hay sự động viên đã đành, ấy thế mà cộng sự văn phòng lắm lúc cũng nhìn nhau như… kẻ thù. Giả tạo thay, bên ngoài miệng lưỡi của các đồng nghiệp đối đáp với nhau nhiều khi lại ngọt dẻo như kẹo mạch nha!

Đồng nghiệp cùng phòng nói chuyện lớn tiếng cũng làm Mona Toole, nhân viên công ty địa ốc từ Newastle, nổi đóa. “Văn phòng bày biện theo thiết kế không gian mở cũng lắm phiền hà. Tôi bực bội nhất là khi ngồi cạnh một tay đồng nghiệp suốt ngày cứ nói chuyện qua phone”. Mỗi khi Mona dùng điện thoại cũng hầu như không nghe được gì vì ông đồng nghiệp nói chuyện quá lớn khiến Mona “chỉ có nước phát điên!”.

Ngao ngán với các ‘lính mới’

Theo Guy Leonard, một người sống ở Melbourne, thì nhân viên trẻ thiếu kinh nghiệm làm việc (hay gọi bình dân là ‘ma mới’) cũng là nguồn gốc gây khó chịu trong cơ quan.

Guy bày tỏ rằng anh không thể chú tâm làm việc được vì luôn phải ‘dọn bãi’ cho người khác: “Những người non tay, nhận mức lương rẻ, thường làm việc ẩu. Vì lương rẻ cho nên “tiền nào của ấy”.

Trong khi đó, Guy nhấn mạnh tinh thần công bằng trong công sở, nghĩa là ‘làm nhiều thưởng nhiều’ và cho rằng mức lương chủ đang trả cho anh khá thấp. “Là trưởng nhóm của bộ phận có 6 nhân viên, lại hay phải giúp chỉnh sửa việc cho những người mới vào, lẽ ra tôi phải ăn lương phó phòng mới đúng. Rồi mỗi năm phải được thêm 15.000 đô-la mới phải”.

Oliver Tanner (Sydney) cho rằng yếu tố nhân sự (tức là đồng nghiệp) là điều làm cho anh khó chịu nhất trong cuộc sống văn phòng. “Nào là cô công nương ‘chảnh chọe’, nào là tay quản lý vô tích sự… Tôi đang mong chờ ngày ‘tạm biệt’ thật sớm với những người không đáng để ý này”.

Sự phiền nhiễu từ máy móc

Michael Todd là một công chức văn phòng khó chịu với máy điều hòa nhiệt độ trong văn phòng, thứ mà anh nói là “quỷ quái”. “Có ngày bật điều hòa mà vẫn thấy nóng như thiêu. Ngày khác thì lạnh run cầm cập. Hình như mọi thứ phụ thuộc vào thời gian bật máy và thời tiết trong ngày thì phải”, Michael cho biết.

Stuart Lindsay, một nhân viên văn phòng 23 tuổi ở Adelaide, có công việc đòi hỏi anh phải in tài liệu khá nhiều mỗi ngày. Anh cho biết điều bực bội nhất nơi chỗ làm là chiếc máy in bị hỏng hóc liên tục. Đã vậy khi in thì mực hay làm lem giấy khiến anh phải mất thời gian chạy sang phòng kế bên in nhờ.

Lindsay cho biết đôi khi sự tắc trách từ máy móc nơi làm việc khiến anh ‘phát điên’: “Tôi chỉ muốn chém ra từng mảnh và thảy vô thùng rác cho bõ tức”.

Công việc thúc bách nhưng hệ thống công nghệ thông tin (IT), mạng Internet bị ‘treo’ cũng là điều gây khó chịu hàng đầu cho dân văn phòng, theo tâm sự của Andy Sinclair, một chuyên viên đồ họa làm trong ngành quảng cáo.

Sinclair nói: “Buồn nhất là lúc sắp hoàn thành dự án, chỉ cần in ra giấy là về được rồi nhưng máy tính lại bị treo, phải ngồi thêm nửa tiếng đợi bộ phận kỹ thuật cử người đến chữa”.

Theo Sinclair thì sau lương bổng, IT là chủ đề được nhân viên than phiền nhiều nhất… khi họ có dịp ngồi uống bia và ‘tám’ chuyện với nhau!

* Một bản tin ABC News hồi tháng 5/2011 cho hay các nhân viên công sở ngồi bàn giấy làm việc trên 10 năm và ít vận động cơ thể sẽ dễ bị nguy cơ mắc bệnh ung thư ruột kết (ở phía bên trái của đại tràng) lẫn ung thư trực tràng (ở phần cuối của ruột già). Đây là kết quả nghiên cứu từ hơn 2.000 nhân viên công sở nam nữ tuổi từ 40 đến 79 ở vùng Tây Úc. Xem ra làm nghề công chức văn phòng không những có những áp lực và mệt mỏi về tinh thần mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài!

Theo: Bayvut.au

Bài liên quan

Làm gì sau khi rời ghế nhà trường?

(hieuhoc_hieuhoc.com) Bạn sẽ làm gì sau khi rời ghế nhà trường? Bạn đã sẵn sàng để đối mặt với những điều đang đợi sau khi bạn tốt nghiệp? Môi trường lý tưởng cho bạn sống và làm việc như thế nào? 

Học cách tự chủ khi đi làm

(hieuhoc_hieuhoc.com) Học cách tự chủ khi đi làm là cách để bạn cải thiện sự nghiệp của mình. Các chuyên gia nghề nghiệp chia sẻ những lời khuyên chân thành với các bạn trẻ ít kinh nghiệm, thường làm việc theo cảm tính mà không khống chế được bản thân dẫn đến nhiều hậu quả không nên có. 

Cùng chuyên mục