Cứ gõ, cửa sẽ mở!

Đầu tháng 7, Nguyễn Thị Huyền Trang (sinh viên năm 4, khoa Đông phương học, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) sẽ là đại diện duy nhất cho SV các trường ĐH phía Nam tham gia diễn đàn Sáng kiến tài năng lãnh đạo trẻ châu Á HITACHI lần 9 (HYLI 9) tại Jakarta (Indonesia).

Trang tâm sự: “Từ lâu, tôi đã ao ước được tham gia những diễn đàn có quy mô lớn, được gặp gỡ các vị nguyên thủ, cùng thế hệ trẻ góp ý kiến vào những vấn đề kinh tế, xã hội nóng bỏng. Năm rồi, tôi rất tiếc vì nộp hồ sơ trễ. Để thi tốt, không thể nhồi nhét thông tin hay học tủ mà phải tích lũy sẵn sàng kiến thức, trình độ tiếng Anh và kỹ năng tổng hợp”.

Chính vì vậy Huyền Trang đã gây được ấn tượng với Hội đồng giám khảo là nhờ sự tự tin, mạnh dạn và lối tư duy trẻ khi đưa ra giải pháp cho những chuyện “quốc gia đại sự”: tình hình phát triển của kinh tế Việt Nam trong thời buổi hội nhập, vấn đề lao động rẻ…

Tại HYLI 9, Trang được xếp vào chủ đề Quản lý nguồn năng lượng cho mục đích tăng trưởng kinh tế và giữ gìn bền vững môi trường trong khu vực Đông Á. Vì thế, thư mục “HYLI” trong USB của Trang đầy ắp tài liệu về tình trạng điện, điện hạt nhân, năng lượng sạch. Để có thông tin, số liệu chính xác, tôi phải mail câu hỏi cho các trang web chính quy hay các giáo sư, bạn bè nhiều nước.

Huyền Trang cho biết, cô rất thích vai trò lãnh đạo vì luôn có cảm hứng với dạng công việc thử thách cao, va chạm nhiều và trách nhiệm nặng. “Với tôi, lãnh đạo tốt không phải là quyền cao chức trọng mà chính là ở nghệ thuật sử dụng nhân lực hợp lý để phát huy sức mạnh tổng thể. Chân dung một vị sếp chuyên nghiệp mà tôi đang hướng đến là người có kiến thức và kinh nghiệm, quyết đoán và táo bạo, tôn trọng kỷ luật, giàu tố chất nhân văn, đặc biệt là dám nhìn thẳng và vượt lên sau thất bại. Phụ nữ trẻ đôi khi vẫn giỏi “đứng mũi chịu sào” nhờ sự linh hoạt, uyển chuyển và nhạy cảm” – Trang nói.

Là người sôi nổi và năng động, Trang từng góp mặt vào nhiều công tác xã hội như sự kiện APEC năm 2006, từng tổ chức trại Anh ngữ quốc tế E-camp 2006, tham gia chương trình Chào Việt Nam đón Tàu thanh niên Đông Nam Á năm 2007. Trang cũng từng tham gia cuộc thi Tìm hiểu văn hóa Úc, hội thảo các dự án cộng đồng của Hội du học sinh Việt Nam, tình nguyện Mùa hè xanh… Ở trường, Trang vừa là Trưởng ban Ngoại ngữ quốc tế (Hội Sinh viên), Phó bí thư Đoàn khoa, vừa là MC, thành viên tổ chức các chương trình.

Đôi lúc tôi cũng “ngậm ngùi” vì tiêu tốn quá nhiều thời gian thay vì học bài, đọc sách hoặc phụ giúp gia đình như các bạn khác. Nhưng, tôi cũng cảm thấy mình cứng cáp, trưởng thành và giàu kỹ năng hơn sau mỗi việc “hàng tổng”. Tuy nhiên, để trở thành nữ lãnh đạo thực thụ thì còn thiếu nhiều lắm!” – Trang tâm sự.

Nỗi ám ảnh lớn nhất của SV các ngành xã hội là… thấp nghiệp, nhưng theo Trang “thất nghiệp là do mình “ngồi một chỗ” chứ không phải do ngành học.

“Bài học quý báu đầu đời của tôi là tính tự lập” – Trang nói – “Tôi không sống chung với bố mẹ mà sống với ông bà ngoại (ở Hà Nội) nên phải tự lo sinh hoạt, tự cuốc bộ đến trường từ rất sớm. Vào đại học, tôi làm đủ thứ nghề từ dạy kèm tiếng Việt cho người nước ngoài, hướng dẫn tour quanh TP.HCM bằng xe đạp, làm trợ lý cho cuộc họp hội đồng của Mạng lưới nghệ thuật châu Á (ANA) đến thiết kế website quảng cáo… Hiện tôi đã kết thúc khóa thực tập tại phòng nhân sự công ty Intel Products Việt Nam bằng một hợp đồng làm việc chính thức dù chưa thi tốt nghiệp. Tôi cảm nhận rằng, nếu muốn cửa mở, bạn hãy mạnh dạn gõ vào!”.

Cô thủ lĩnh 8X này mong được làm quen, chia sẻ kinh nghiệm sống với bạn đọc gần xa qua e-mail: nguyentrangiz@yahoo. com.

Diệu Hiền (Nguồn: Báo Phụ Nữ)

Cùng chuyên mục