(Hieuhoc-Hieuhoc.com) Có khi nào cố gắng hết sức để thể hiện tài năng thì lại trở nên đờ đẩn và mọi việc không đạt được như mong đợi? – Con người thường bị thất bại do hoảng sợ, khi cảm xúc sợ hãi lấn lướt lý trí thì mọi suy nghĩ trở nên tê liệt. Đờ đẩn lại khác hoảng sợ một chút, đờ đẩn cũng có thể dẫn đến thất bại, nhưng không phải do suy nghĩ bị tê liệt, không phải vì suy nghĩ quá ít, mà đờ đẩn do bởi suy nghĩ quá nhiều, do dự quá nhiều, quan tâm cẩn thận quá nhiều… khiến bạn chỉ thực hiện được một phần nhỏ, ít hơn rất nhiều tài năng thật sự có được của bạn.
Có thể bạn đang bị áp lực và chính bản thân bạn lại không hề hay biết. Cuộc sống với quá nhiều mục tiêu, khát vọng, trách nhiệm và cả những lo toan khiến bạnbị mắc kẹt trong sự nghi ngờ, nghĩ quá nhiều đến thành quả, muốn mình được chú ý, được trọng vọng, đề cao… Áp lực khiến bạn không thể tập trung dù luôn nghĩ đến công việc mọi lúc, mọi nơi.Dù muốn hay không, cuộc sống của bạn sẽ có những áp lực đòi hỏi bạn phải thể hiện khả năng. Nhưng điều quan trọng là bạn nhận ra áp lực từ sự lo lắng về đánh giá của người khác đối với mình và tìm cách giải quyết nó.
Đừng bao giờ sợ bị mắc lỗi. Một sai lầm không phải là thất bại. Sai lầm sẽ giúp ta làm tốt hơn, thông minh hơn và nhanh nhạy hơn nếu như ta biết nhận lấy sai lầm, chấp nhận nó. Ta cũng không thể ngay tức thì thay đổi ngày hôm qua hay ngày mai, vì thế điều quan trọng là cống hiến tất cả cố gắng cho công việc hiện tại– (Đừng lãng phí thời gian tìm kiếm thành công, hãy dành thời gian tạo ra giá trị. Nếu ta sống có giá trị, thành công sẽ tìm đến – Albert Einstein).
Tại sao các công ty không dùng những công nghệ khoa học xuất sắc nhất đã từng đoạt các giải thưởng khoa học ở Việt Nam? Có khả năng là những công nghệ đoạt giải thưởng đó không tốt bằng công nghệ đã có. Vậy thì chúng ta có cần quan tâm nhiều đến việc nghiên cứu công nghệ của mình với mong ước chỉ được giải thưởng và xem nó là điều quan trọng nhất? Hoặc là nên bình thản, ngay lúc này chỉ dồn hết tâm sức cho kỳ vọng của mình đạt hiệu quả thiết thực nhất, không cần quan tâm người khác đã và sẽ nghĩ gì?
Chúng ta gây dựng môi trường sạch đẹp, nhưng đó không phải chỉ vì sợ du khách nước ngoài đánh giá; lập nên các kỳ tích vươn lên đạt trình độ quốc tế mà không phải để so sánh với thế giới làm chi! Chẳng lẽ không nhờ người ngoài đánh giá thì ta không thể tự mình cố gắng làm tốt hơn sao? Thế thì hãy làm tốt nhất những gì có thể, việc gì nên làm, cần làm và làm được thì làm. Không cần tìm cách biện minh cho hành động của mình, sẵn sàng cho thế gian biết về bản chất, về con người thật của mình, sao phải bận tâm người khác nghĩ gì cơ chứ?
Do dự, suy nghĩ quá nhiều, mãi bận tâm lo lắng đến những gì người khác có thể nghĩ về mình khiến bạn không thể linh hoạt, không thể là chính mình, bạn sẽ cảm thấy sợ, hổ thẹn, thậm chí đờ đẩn khi phải thể hiện năng lực. Luôn lo sợ việc người khác sẽ nghĩ gì khiến bạn trở nên dễ tự ti, làm bạn mất đi các cơ hội sáng tạo, không muốn chia sẻ ý kiến, không dám đấu tranh cho bản thân và bạn bè, không thể nhờ ai đó giúp đỡ, ngại ngần khi phải thổ lộ tình cảm, không dám từ chối và cũng không dám nhận lỗi xin sự tha thứ…
Vì sao chúng ta thích nhìn thấy sự cởi mở nơi người khác, thích người khác thành thật với mình nhưng lại không muốn điều đó với chính bản thân. Quá bận tâm việc người khác nghĩ sao về mình khiến bạn luôn phải mang trên mình “cái áo giáp người hoàn hảo” nặng nề, giả dối… làm ngăn cản sự kết nối và cảm thông với mọi người. Ngược lại, hãy bỏ qua sự nghi ngờ bản thân, bỏ qua việc chứng tỏ, so sánh với người khác, bỏ qua hoàn hảo, bỏ qua nhu cầu về sự chắc chắn, bỏ qua những gì người khác nghĩ… mà hãy mạo hiểm dấn thân vào cuộc đời với niềm tin là mình xứng đáng được yêu thương, xứng đáng được tận hưởng niềm vui.
Điều khó khăn là chúng ta thường gắn giá trị bản thân, khả năng của mình theo sự đánh giá của người khác đối với thành quả của mình. Nếu họ thích, bạn sẽ trở nên đáng giá. Nếu không, bạn chẳng có giá trị nào! Nhưng trên hành trình thực hiện, thành tựu chưa có mà lại lo nghĩ vẩn vơ về những đánh giá của người khác chỉ làm bạn thêm khó khăn trong việc thể hiện khả năng. Và dù cho khi đã thành công, đặt giá trị của bản thân tùy thuộc hoàn toàn vào những đánh giá của người khác, bạn cũng sẽ trở thành nạn nhân cho vòng luẩn quẩn: “hài hòa hơn, hoàn hảo hơn, hài lòng hơn”, tất cả chỉ để đẹp lòng người khác.
Không sợ, không chỉ là sự can đảm bề ngoài thông thường mà là sự vắng bóng của nỗi sợ trong tâm”. (Aung San Suu Kyi – giải Nobel Hòa bình 1991). Vậy thì, nếu thích làm và nếu làm được thì làm, hãy thể hiện tài năng mà không cần bận tâm người khác nghĩ gì về mình! Điều này nghe có vẻ mạo hiểm, nhưng mà này, hãysẵn sàng cho dù thế gian có đánh giá về bản chất, về con người thật của mình thể nào, mạo hiểm một chút thì có sao đâu?
Chúc bạn may mắn và thành công.
Khải Quân (Hieuhoc-Hieuhoc.com)